Chuyên gia tim mạch khuyến cáo, vào mùa lạnh, người dân cần được giữ ấm, đặc biệt là người cao tuổi hoặc người có tiền sử mắc các bệnh tim mạch. Ngoài ra, cần tránh ra trời lạnh đột ngột vào buổi sáng, nhất là lúc mới ngủ dậy...
Bệnh tim mạch gia tăng khi nhiệt độ xuống thấp
Trao đổi với Báo Sức khỏe & Đời sống, TS.BS Hồ Anh Bình, Giám đốc Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện Trung ương Huế) cho biết, khoảng 1 tháng qua, thời tiết chuyển sang mùa đông, nhiệt độ xuống thấp khiến số người phải nhập viện vì các bệnh lý tim mạch tăng lên so với trước.
Mỗi ngày, Trung tâm Tim mạch tiếp nhận hàng chục bệnh nhân nhập viện vì các bệnh lý tim mạch, trong đó chủ yếu là người cao tuổi và những người có tiền sử bệnh tim mạch. Số lượng này tăng cao trong những ngày đông giá lạnh.
Đáng chú ý, số bệnh nhân nhập viện cũng có xu hướng tăng so với cùng kỳ những năm trước. Ca bệnh tim mạch gia tăng trung bình mỗi năm khoảng từ 10-20%. Mỗi năm, Bệnh viện Trung ương Huế làm thủ thuật can thiệp tim mạch cũng tăng trung bình 15%/năm.
Mùa lạnh khiến người mắc bệnh tim mạch gia tăng, chuyên gia cảnh báo cách phòng ngừa, xử trí. Ảnh minh hoạ.
TS.BS Hồ Anh Bình lưu ý, khi có những dấu hiệu này, có thể bệnh nhân xuất hiện một tình trạng cấp cứu, cần phải đưa vào bệnh viện, cụ thể:
- Đau thắt ngực: Bệnh nhân đau ngực dữ dội, cảm giác bị bóp nghẹt trong lồng ngực, vị trí cơn đau thường ở phía sau xương ức, đau lan lên vai trái, mặt trong cánh tay trái hoặc lan ra sau lưng… Đây là biểu hiện nghi ngờ bệnh nhồi máu cơ tim. Khi gặp người bệnh có triệu chứng như trên, cần gọi người giúp đỡ, đồng thời gọi cấp cứu để được xử trí và đưa tới bệnh viện.
- Ngừng tuần hoàn: Người bệnh đột ngột ngất xỉu, mất phản ứng xung quanh, gọi hỏi không biết, ngừng thở, tím tái toàn thân, đôi khi có biểu hiện co giật hoặc mềm nhũn, có thể xuất hiện đại tiểu tiện không tự chủ. Lúc này, cần gọi người hỗ trợ và gọi cấp cứu ngay lập tức.
- Các dấu hiệu đột quỵ: đột ngột tê hoặc yếu nửa người (một bên tay chân), ngất hoặc hôn mê, mất hoặc rối loạn khả năng nói, rối loạn thị giác, đột ngột mất thăng bằng và phối hợp các động tác, đau đầu dữ dội, nôn không rõ nguyên nhân... cần đưa tới ngay bệnh viện hoặc phòng cấp cứu gần nhất.
- Khó thở: Người bệnh đột ngột khó thở dữ dội, vã mồ hôi cần gọi cấp cứu ngay lập tức, đồng thời, cho người bệnh nằm đầu cao, thở oxy nếu có.
- Đau đột ngột chân hoặc tay: Người bệnh bị đau đột ngột chân hoặc tay; chân hoặc tay đau, lạnh, nhợt hơn so với bên đối diện, đây có thể là biểu hiện tắc động mạch cấp tính của chân hoặc tay. Khi gặp biểu hiện này, cần đưa người bệnh đi cấp cứu ngay lập tức để can thiệp, phẫu thuật lấy cục huyết khối trong lòng mạch ở chân hoặc tay.
Làm gì để phòng bệnh tim mạch mùa mưa lạnh?
TS.BS Hồ Anh Bình, Giám đốc Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện Trung ương Huế) khuyến cáo, vào mùa lạnh, người dân cần được giữ ấm đầy đủ, đặc biệt người cao tuổi hoặc người có tiền sử mắc các bệnh tim mạch như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh mạch vành. Ngoài ra, cần tránh ra trời lạnh đột ngột vào buổi sáng, nhất là lúc mới ngủ dậy.
Khi tắm rửa cần làm ấm phòng bằng đèn sưởi và dùng nước ấm, tránh tăng huyết áp đột ngột do lạnh. Với người cao tuổi, khi có cơn tăng huyết áp, không nên giảm huyết áp quá nhanh, sẽ rất nguy hiểm do sự phản ứng của mạch máu ở người cao tuổi không tốt. Nếu giảm huyết áp quá nhanh, cơ thể sẽ không thích ứng được và xuất hiện các triệu chứng chóng mặt, đau đầu, buồn nôn.
TS.BS Hồ Anh Bình (bên phải), Giám đốc Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện Trung ương Huế) thực hiện can thiệp cấp cứu bệnh nhân.
Những bệnh nhân bị tăng huyết áp, nên uống các thuốc hạ huyết áp theo chỉ định của bác sĩ. Các thuốc tăng huyết áp cần được uống liên tục, suốt đời, không được ngừng thuốc đột ngột và có sự theo dõi của nhân viên y tế. Những bệnh nhân có bệnh động mạch vành nên được theo dõi định kỳ, nhất là khi chuyển mùa, khi thời tiết thay đổi. Đối với người cao tuổi sức đề kháng yếu và những người mắc các bệnh về tim mạch, cần tuyệt đối thực hiện các biện pháp dự phòng, giữ ấm cơ thể, tránh lạnh đột ngột, luôn đeo khẩu trang khi ra ngoài trời. Duy trì điều trị các bệnh tim mạch theo hướng dẫn của bác sĩ.
Đối với trẻ nhỏ mắc các bệnh tim bẩm sinh, thời tiết lạnh dễ làm bệnh tim nặng hơn, ngoài ra còn dễ khiến trẻ mắc các bệnh lý về hô hấp. Đối với các trẻ này, cần lưu ý giữ ấm cổ và cơ thể, quàng khăn, đeo khẩu trang và hạn chế ra ngoài trời lạnh, cung cấp đủ dinh dưỡng. Khi trẻ có dấu hiệu của bệnh, cần được thăm khám và điều trị tại các chuyên khoa về tim mạch.
"Khi trong nhà có người lớn tuổi như ông bà, cha mẹ, đặc biệt người có tiền sử bệnh lý tim mạch, luôn nhắc nhở họ phòng tránh, giữ ấm cơ thể, uống thuốc đầy đủ. Hơn nữa người trẻ cần ghi nhớ những dấu hiệu nguy cơ của các biến chứng nặng như đã đề cập ở trên và nắm các nguyên tắc xử trí, để nếu có người mắc phải thì xử trí kịp thời, nhanh chóng giúp người thân cải thiện tiên lượng tốt hơn", TS.BS Hồ Anh Bình nhấn mạnh.
TS.BS Hồ Anh Bình cho rằng, bệnh lý tim mạch thường gặp ở người lớn tuổi, tuy nhiên những năm gần đây, cùng với tỷ lệ tăng của các bệnh lý đái tháo đường, stress, hút thuốc lá, béo phì, ít vận động, bệnh lý tim mạch đang ngày càng trẻ hóa, tức là ngay cả người trẻ cũng có thể bị.
Những năm gần đây, số lượng bệnh nhân trẻ từ 25-40 tuổi đến khám và điều trị ngày càng tăng và có nhiều bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp trước độ tuổi 40, thậm chí trước tuổi 30 đã được ghi nhận vào viện với tình trạng rất nguy hiểm.
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn