Trong mùa đông – xuân, dịch bệnh lây truyền qua đường hô hấp phát triển mạnh xuất phát từ nhiều nguyên nhân: do tính chất mùa ẩm lạnh tạo điều kiện cho các tác nhân gây bệnh xâm nhập; do tình hình giao thương, đi lại tăng cao vào dịp cuối năm…
Để chủ động phòng chống bệnh, cần thực hiện theo những khuyến cáo của Bộ Y tế, đồng thời nâng cao ý thức bảo vệ bản thân và những người xung quanh, không chủ quan nhưng cũng không nên quá lo lắng trước dịch bệnh.
Đó là những chia sẻ của các chuyên gia trong chương trình truyền hình trực tuyến với chủ đề "Các biện pháp phòng, chống dịch bệnh lây truyền qua đường hô hấp thường gặp trong mùa đông – xuân" do Báo Sức khoẻ và Đời sống tổ chức với sự đồng hành của Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ) và Văn phòng Bộ Y tế ngày 27/12 vừa qua.
Theo PGS. TS Trần Đắc Phu – Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, Bộ Y tế, một số bệnh lây truyền qua đường hô hấp mùa đông – xuân cần chú ý như: cúm, viêm phổi, Mycoplasma, Adenovirus gây viêm đường hô hấp ở trẻ nhỏ, COVID-19…Bên cạnh đó, sau hơn 3 năm dịch bệnh COVID-19, việc tiêm chủng ở trẻ em bị gián đoạn tạo nên khoảng trống miễn dịch, dẫn đến nguy cơ nhiễm bệnh tăng cao hơn ở trẻ nhỏ, đặc biệt là các bệnh bạch hầu, ho gà, sởi.
PGS. TS Trần Đắc Phu – Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, Bộ Y tế
Còn tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, BSCKII Nguyễn Trung Cấp - Phó giám đốc Bệnh viện đã mang đến cái nhìn khái quát về tình hình bệnh lây truyền qua đường hô hấp mùa đông – xuân với tỷ lệ trẻ em và người cao tuổi nhập viện gia tăng so với các thời điểm khác trong năm, đặc biệt là những người có bệnh lý nền như COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính), hen, tim mạch…Những người có bệnh lý nền sẽ có nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp cao hơn, đồng thời khi nhiễm bệnh thì các triệu chứng cũng nặng hơn và tăng nặng các bệnh lý nền. Vì vậy, nhóm đối tượng này cần lưu ý và quan tâm hơn trong việc phòng tránh bệnh như thường xuyên đeo khẩu trang, rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn, cách ly và hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh…và theo dõi các dấu hiệu bất thường của cơ thể để xử trí kịp thời.
Các chuyên gia chia sẻ tại chương trình
Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân khiến người bệnh mắc các bệnh lây truyền qua đường hô hấp có nguy cơ trở nặng đó là lạm dụng kháng sinh, sử dụng kháng sinh khi không có chỉ định của bác sĩ. Thậm chí, WHO xếp Việt Nam là một trong các quốc gia có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất trên thế giới. PGS.TS Trần Đắc Phu cảnh báo: kháng sinh chỉ được chỉ định trong điều trị các bệnh do vi khuẩn, không có tác dụng với bệnh do virus gây ra. Thực trạng kháng kháng sinh xảy ra khi mầm bệnh hay vi khuẩn có khả năng tạo ra cách chống lại thuốc kháng sinh làm cho kháng sinh không thể tiêu diệt hoặc ngăn chặn được sự phát triển của chúng. Vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh làm cho việc điều trị bệnh nhiễm khuẩn trở nên khó khăn, thậm chí không thể điều trị được. Nhiễm khuẩn do vi khuẩn đề kháng buộc bác sĩ phải sử dụng thuốc kháng sinh thay thế, thường có độc tính cao hơn dẫn đến thời gian nằm viện kéo dài và gây ra tốn kém chi phí y tế. Vì vậy, các chuyên gia cũng khuyến cao người bệnh khi có các triệu chứng của các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp, cần theo dõi và đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị đúng tình trạng bệnh, tránh tự ý sử dụng kháng sinh.
Về các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp trên do virus ở trẻ em, thông thường, bệnh có thể tiến triển tốt lên sau 3-5 ngày nếu trẻ có sức đề kháng tốt. Tuy nhiên nếu triệu chứng kéo dài hoặc có dấu hiệu bội nhiễm có thể chuyển sang nặng hơn. BSCKII Nguyễn Trung Cấp lưu ý cần theo dõi trẻ sát sao, khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường như ho kéo dài trên 5 ngày, sốt, thở nhanh, co rút lồng ngực…, cần đưa trẻ đến bệnh viện để được điều trị kịp thời.
BSCKII. Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương
Để chủ động phòng tránh dịch bệnh hô hấp mùa đông - xuân, các chuyên gia lưu ý: việc tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine phòng bệnh theo đúng lịch, đặc biệt với trẻ em là vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, trước tình hình dịch bệnh của một số nước trong khu vực và trên thế giới, Bộ Y tế cũng đã có chỉ đạo: giám sát, đánh giá nguy cơ dịch bệnh; tuyên truyền để người dân không chủ quan nhưng cũng không nên quá lo lắng, tránh ảnh hưởng đến an sinh xã hội, kinh tế và vấn đề giao thương, đi lại dịp lễ, tết; khuyến cáo, hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân và thay đổi hành vi để nâng cao sức khỏe.
5 biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/
Xem thêm: Mùa lạnh, bệnh tim mạch gia tăng: Chuyên gia khuyến cáo cách phòng ngừa