Bệnh viêm xoang nguy hiểm như thế nào và cách phòng tránh

Những đợt không khí lạnh kèm theo sự thay đổi nhiệt độ giữa ngày và đêm trong thời gian qua khiến nhiều người bị viêm nhiễm đường hô hấp, trong đó có viêm xoang. Một số bệnh nhân đến khám vì những biến chứng của viêm xoang, thường gặp là viêm tai giữa cấp và viêm phế quản viêm thị thần kinh của mắt, đôi khi gây ra mù đột ngột…Vậy bệnh viêm xoang có nguy hiểm không và cách phòng tránh.

Biểu hiện bệnh viêm xoang

Bệnh nhân phàn nàn vì đau tai hoặc ho kéo dài, đau tức ngực, cứ điều trị kháng sinh thì đỡ nhưng khi dừng kháng sinh, bệnh quay trở lại ngay.

Ở những bệnh nhân này thường sẽ kèm theo những biểu hiện của viêm xoang. Nếu viêm xoang cấp với biểu hiện thể trạng nhiễm khuẩn: mệt mỏi, sốt nhẹ hoặc gai sốt, kém ăn, bạch cầu trong máu tăng.

Bệnh nhân biểu hiện đau nhức vùng mặt, trán, thái dương hai bên hoặc lan xuống răng hay lên nửa đầu, đau tăng lên về sáng do ban đêm dịch tiết và mủ bị ứ đọng. Ngoài cơn chỉ thấy nặng đầu.

Kèm theo chảy mũi: một hoặc hai bên, thường gặp là chảy mũi hai bên, lúc đầu chảy dịch loãng sau đặc dần, màu xanh hoặc màu vàng, mùi tanh và nồng. Ngạt tắc mũi: một hoặc hai bên, thường gặp là ngạt mũi hai bên, kèm theo ngửi kém.

Soi mũi trước thấy toàn bộ niêm mạc hốc mũi nề và đỏ, các cuốn mũi, rõ nhất là cuốn dưới nề, đỏ và sưng to, đặt thuốc co mạch co hồi tốt. Khe giữa hai bên: có tiết nhầy hoặc mủ.

Viêm xoang mạn tính ít ảnh hưởng đến toàn trạng, không có biểu hiện nhiễm khuẩn, trừ những đợt hồi viêm.

Người bệnh cảm thấy mệt mỏi, cơ thể suy nhược hoặc những rối loạn ở đường hô hấp hay đường tiêu hoá do mủ xoang gây nên nếu viêm xoang kéo dài.

Bệnh nhân bị chảy mũi thường xuyên, chảy một hoặc hai bên nhưng thường là hai bên. Lúc đầu chảy mủ nhầy trắng, sau chảy đặc xanh hoặc vàng, mùi tanh hoặc hôi thối do bội nhiễm. Mủ thường chảy ra cửa mũi sau xuống họng hoặc xì ra cửa mũi trước.

Ngạt tắc mũi: tăng dần và ngày càng rõ rệt dẫn đến tắc hoàn toàn do mủ ứ đọng, niêm mạc phù nề, cuốn giữa thoái hoá, cuốn dưới quá phát hoặc do pôlýp thường ngạt cả hai bên, nhưng có thể một bên nếu viêm xoang do răng.

Ngửi kém từng lúc, tăng dần hoặc mất ngửi hoàn toàn. Nhức đầu âm ỉ hay thành cơn ở vùng trán, má hai bên hoặc đau nhức xung quanh ổ mắt, sâu trong ổ mắt, đau vùng chẩm phía sau nếu là viêm xoang sau. Nhức đầu thường xảy ra vào buổi trưa và chiều làm cho bệnh nhân thường mệt mỏi, lười suy nghĩ…

Khám thấy niêm mạc hốc mũi nhạt màu, phù nề hoặc thoái hoá thành gờ Kaufmann ở khe giữa, pôlýp khe giữa do niêm mạc xoang hàm thoái hoá tạo thành hoặc do niêm mạc của mỏm móc, khe giữa thoái hoá.

Khe giữa hai bên: thường có mủ đặc ứ đọng hoặc chảy từ khe giữa qua lưng cuốn dưới tới sàn mũi. Khe giữa có pôlýp. Cuốn mũi: cuốn dưới hai bên thường quá phát, nhạt màu, đặt thuốc co mạch co hồi kém.

Cuốn giữa hai bên thường thoái hoá niêm mạc, màu trắng hoặc mọng và trông giống pôlýp. Mủ đọng ở cửa mũi sau hoặc chảy từ khe trên xuống cửa mũi sau, xuống họng.

Các đuôi cuốn thường quá phát và đổi màu, niêm mạc vách ngăn cùng dày lên. Chụp Xquang thấy biểu hiện mờ đều các xoang trên phim.

4 biến chứng nguy hiểm của bệnh viêm xoang

Biến chứng do viêm xoang khá nguy hiểm và gây ảnh hưởng rất nhiều đến sức khoẻ cũng như những hoạt động sống hàng ngày của người bệnh. Cụ thể là:

Gây biến chứng ở mạch máu

Viêm xoang cũng có thể gây ra những biến chứng ở mạch máu sau:

Gây viêm tắc tĩnh mạch hang: Đây là một biến chứng xuất hiện khá đột ngột ở mạch máu do viêm xoang gây ra với những dấu hiệu như đau đầu hay nhiệt độ cơ thể nóng lạnh bất thường. Ngoài ra, viêm tắc tĩnh mạch hang còn khiến cho khả năng chuyển động của nhãn cầu lồi không còn linh hoạt như bình thường, khiến tầm nhìn bị thu hẹp.

Gây viêm mạch máu ở vùng xương sọ và xương trán: Người bệnh khi xuất hiện biến chứng này do viêm xoang sẽ xuất hiện cảm giác đau nhức và sưng to ở một vùng xương trán. Đồng thời, hình thành một ổ áp xe ở vùng mũi. Nếu để lâu, tình trạng viêm có thể lan rộng sang những vùng khác của sọ như xương đỉnh hay xương thái dương,…

Gây biến chứng ở mắt

Xoang mũi và hốc mắt là 2 vị trí khá gần nhau. Chính vì vậy, tình trạng viêm nhiễm ở xoang mũi có thể lây lan đến vùng mắt cũng như các dây thần kinh thị lực và có thể gây ra những biến chứng:

Áp xe mí mắt: Đây là một trong những biến chứng ở mắt do viêm xoang khá nguy hiểm. Người bệnh sẽ bị sưng đỏ, đau nhức và nóng ở mi mắt. 

Viêm dây thần kinh thị giác: Đây là biến chứng khiến cho mắt bị mờ đi một cách đột ngột. Trong trường hợp người bệnh bị viêm xoang cấp tính, tình trạng này sẽ hết trong hoàn toàn trong một vài tuần. Tuy nhiên, nếu là viêm xoang mạn tính, người bệnh sẽ phải đối mặt với những vấn đề về thị lực nghiêm trọng hơn như bị thu hẹp tầm nhìn hoặc khó phân biệt màu sắc.

Nếu người bệnh cảm thấy ổ mắt sưng tấy và đau nhói, thậm chí không thể chuyển động được thì cần tới gặp bác sĩ ngay lập tức.

Gây biến chứng ở tai

Khoang mũi và tai là hai bộ phận có thể lưu thông với nhau. Chính vì vậy, dịch mủ do tình trạng viêm xoang gây ra có thể sẽ lan đến vùng tai. Điều này sẽ khiến cho người bệnh mắc phải viêm tai giữa. Nếu như không phát hiện và điều trị sớm, biến chứng do viêm xoang ở tai này có thể ảnh hưởng tới thính giác.

Gây biến chứng ở vùng não

Những biến chứng ở vùng não do viêm xoang tuy có tỷ lệ xảy ra khá thấp nhưng rất nguy hiểm. Đó chính là:

Viêm màng não: Nguyên nhân gây ra biến chứng này là do sự tấn công của các vi khuẩn gây hại. Người bệnh có thể phải đối mặt với những tổn thương vĩnh viễn, đột quỵ hay thậm chí là tử vong.

Nhiễm trùng não: Khi mắc phải biến chứng này, người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng như co giật hay gặp phải những tổn thương nghiêm trọng ở vùng não. Thậm chí, một số trường hợp nặng còn có nguy cơ cao tử vong.

Biện pháp phòng bệnh viêm xoang

Để phòng tránh bệnh viêm xoang và giảm các triệu chứng khó chịu khi bị viêm xoang, bạn cần có thói quen sinh hoạt lành mạnh, tập luyện thể dục thể thao thường xuyên.

Giữ vệ sinh môi trường xung quanh, vệ sinh cá nhân sạch sẽ

Rửa tay thường xuyên vì các loại virus sẽ sống lâu hơn trên bề mặt các vật dụng, đồ dùng sinh hoạt hàng ngày.

Khi ra ngoài đường cần phải đeo khẩu trang để có tác dụng giữ ấm cho mũi, hạn chế tối đa sự xâm nhập của bụi bẩn và các loại vi khuẩn gây hại.

Cần phải vệ sinh răng miệng hàng ngày bằng cách đánh răng sạch sẽ trước khi đi ngủ và sau khi thức dậy, súc miệng bằng nước muối sinh lý để giữ cho họng và miệng được sạch khuẩn.

Rửa mũi thường xuyên bằng dụng cụ rửa mũi và nước muối sinh lý.

Giữ môi trường sống xung quanh luôn xanh sạch, vệ sinh nhà cửa thoáng mát, ngăn nắp.

Giữ ấm cơ thể

Khi không khí lạnh tràn về, thời tiết hanh khô chính là tác nhân chính gây ra các bệnh viêm mũi, viêm xoang. Việc giữ ấm cho cơ thể nhất là vùng mũi họng, làm ẩm không khí khi mỗi đợt gió mùa về sẽ giúp hạn chế sự khó chịu của bệnh xoang.

Giữ ấm vùng cơ thể như vùng ngực, vùng cổ, mũi bằng khăn quàng, đắp chăn kín khi ngủ

Làm ấm mũi mỗi khi thức dậy vào buổi sáng mùa đông.

Chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt khoa học, hợp lý

Xây dựng một chế độ dinh dưỡng khoa học, bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể như vitamin A, kẽm, omega 3,... để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, tăng khả năng chống chọi với các vi khuẩn gây bệnh khác.

Ăn nhiều protein, rau xanh, trái cây tươi và các loại sinh tố hàng ngày.

Tăng cường vận động mỗi ngày để giữ sức khỏe tốt, giúp bảo vệ hệ miễn dịch khỏe mạnh.

Hạn chế sử dụng các chất gây ra mùi trong nhà như nước tẩy rửa toilet, chất xịt phòng, xà phòng, nước xả,... vì có thể kích thích đường thở, ảnh hưởng tới sức khỏe xoang mũi.

Tránh stress như khi làm việc quá sức, lo lắng nhiều, hệ miễn dịch của cơ thể suy yếu rất dễ bị nhiễm trùng, trong đó mũi xoang dễ bị nhiễm nhất vì là cơ quan lọc không khí trước khi đưa vào cơ thể. Bệnh có thể lây lan, vì vậy không dùng chung vật dụng cá nhân với người bị viêm xoang. Khi có các triệu chứng ban đầu như hắt hơi, chảy nước mũi, tắc mũi, cần được điều trị ngay tránh trường hợp để biến thành bệnh viêm xoang.

Khi nào cần gặp bác sĩ

Các dấu hiệu cần gặp bác sĩ

Bạn nên đến bệnh viện để thăm khám và lắng nghe tư vấn của bác sĩ nếu như có các dấu hiệu sau:

  • Có cảm giác đau và áp lực trong xoang lâu hơn một tuần mà không có dấu hiệu thuyên giảm.
  • Sốt và ho dai dẳng.
  • Các cơn đau bất thường ở tai, răng và khu vực xung quanh mũi.
  • Hơi thở có mùi hôi.
  • Chất nhầy có màu xanh lục

Xem ngay: Rối loạn tiền đình- căn bệnh chớ nên coi thường

 

Bài viết mới