Chỉ số BI đánh giá nguy cơ bùng dịch sốt xuất huyết tại nhiều nơi ở Hà Nội hiện cao vượt ngưỡng, ngành y tế kêu gọi người dân phòng chống dịch.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, những nơi có chỉ số BI (chỉ số bọ gậy) từ 20 trở lên được xếp vào vùng nguy cơ cao bùng phát dịch. Kết quả kiểm tra một số ổ dịch trong tuần qua ghi nhận chỉ số BI vượt ngưỡng nguy cơ. Như ổ dịch thôn Vĩnh Ninh, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì là 35; ở phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy lên đến 50.
Cũng trong tuần, thủ đô thêm 71 ổ dịch sốt xuất huyết tại 20 quận, huyện, thị xã; dẫn đầu là Hoàng Mai 13 ổ dịch; Bắc Từ Liêm 10, Đan Phượng 6, Đống Đa 5. Cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội có 326 ổ dịch sốt xuất huyết. Hiện còn 129 ổ dịch hoạt động.
Cùng thời điểm, Hà Nội ghi nhận 996 ca mắc, tăng 243 so với tuần trước. Cộng dồn từ 2023 đến nay, thủ đô có 4.508 ca mắc sốt xuất huyết, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ có 1.270.
CDC Hà Nội dự báo ca mắc tiếp tục tăng và xuất hiện thêm các ổ dịch, đặc biệt là tại các ổ dịch cũ, hoặc các xã, phường có tiền sử dịch diễn biến phức tạp.
PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai thăm khám cho bệnh nhân sốt xuất huyết sau nhiều ngày truyền dịch, hồi sức. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Nguyên nhân khiến số ca sốt xuất huyết tăng được cho là Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa, một số nơi có dân cư đông đúc, biến động dân số phức tạp. Một nguyên nhân khác được CDC chỉ ra là người dân chưa hiểu đúng về cách phòng chống sốt xuất huyết. Như tại một số quận huyện, nhiều người không có ý thức vệ sinh, dọn dẹp môi trường, cảnh quan sạch sẽ. Từ đó, muỗi có thể trú ngụ và sinh sản trong các vật dụng nhỏ như vỏ lon nước ngọt bị bỏ quên, mảnh chén, bát vỡ, một chiếc lốp xe cũ treo ngoài hàng rào, một xô nước không được đậy kỹ, một bể chứa nước không có nắp đậy...
Một số người cho rằng nơi nước sạch thì không có muỗi. Thực tế, muỗi Aedes aegypti truyền bệnh sốt xuất huyết có khả năng sinh sản cao, tập tính đẻ ở nơi nước trong, sạch, ấm. Vì vậy, muỗi vẫn phát triển nếu người dân chỉ loại bỏ nước bẩn.
Mặt khác, nhiều người có thói quen phòng, chống muỗi đốt vào ban đêm. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế nhận định muỗi gây sốt xuất huyết thường hoạt động vào ban ngày, thích đậu ở các khu vực tối trong nhà như mặt dưới của đồ gỗ, quần áo treo, rèm treo cửa, nhà vệ sinh, phòng tắm và bếp, tủ, hốc, gầm giường...
Hôm 10/8, Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương phòng, chống dịch sốt xuất huyết, do mùa mưa đến. Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 57.295 ca, trong đó 13 trường hợp tử vong tại 8 tỉnh, thành phố. Số mắc và tử vong giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng có xu hướng tăng trong các tuần gần đây.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, xảy ra quanh năm nhưng tập trung nhiều nhất vào mùa mưa. Thời tiết ẩm ướt là điều kiện thuận lợi để muỗi phát triển và truyền bệnh. Các chuyên gia dự báo số ca bệnh tại Hà Nội tiếp tục tăng, theo quy luật từ tháng 6 đến tháng 11, khuyến cáo người dân có các biện pháp bảo vệ bản thân và gia đình.
Sốt xuất huyết diễn biến khoảng hơn một tuần. Ban đầu, bệnh nhân sốt cao liên tục trong vòng 6 ngày, kèm đau mỏi người và cơ. Từ ngày 3 đến 7, tiểu cầu giảm dần, máu cô đặc, bệnh nhân có thể bị chảy máu niêm mạc, nội tạng, rối loạn đông máu, có thể sốc sốt xuất huyết.
Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu sốt xuất huyết, chủ yếu là trị triệu chứng và theo dõi dấu hiệu cảnh báo. Bệnh nhân cần nhập viện khi có một trong số các dấu hiệu như xuất huyết niêm mạc, chảy máu răng, mũi, tiêu hóa; đau bụng vùng gan; nôn nhiều; xét nghiệm tiểu cầu giảm nhanh và máu cô đặc; nước tiểu ít... cần đến viện, khám và điều trị.
Nguồn: https://vnexpress.net