Thời tiết mưa phùn và nồm ẩm những ngày qua tại miền Bắc không chỉ gây khó chịu mà còn là nguyên nhân làm gia tăng nhiều bệnh lý, đặc biệt là với trẻ em, người già, người có bệnh nền.
Đối tượng dễ trở thành nạn nhân của các bệnh lý đường hô hấp trong tiết trời ẩm ương này chính là trẻ em (Ảnh: Minh Nhật).
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai thời tiết nồm ẩm là môi trường lý tưởng cho các mầm bệnh như nấm mốc, vi khuẩn, virus sinh sôi. Các bệnh lý hàng đầu thường phát sinh trong kiểu thời tiết này bao gồm: cảm cúm, viêm phế quản, viêm phổi, viêm đường hô hấp.
Bên cạnh đó, nồm ẩm cũng làm tăng mức độ trầm trọng của một số bệnh đường hô hấp mạn tính như: bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản…
Đối tượng dễ trở thành nạn nhân của các bệnh lý đường hô hấp trong tiết trời ẩm ương này chính là trẻ em và người già.
Ho, sốt, chảy nước mũi là triệu chứng chung của nhiều bệnh về đường hô hấp thường gặp trong thời tiết nồm ẩm. Một thói quen khó bỏ dễ dẫn đến nhiều hệ lụy của người Việt chính là tự chẩn đoán bệnh cho mình rồi tự mua các loại thuốc hạ sốt, thuốc kháng sinh quen dùng để điều trị tại nhà.
BS Nguyễn Tiến Dũng cảnh báo, chớ nên chủ quan trước những dấu hiệu tưởng như bình thường này, đặc biệt là với trẻ nhỏ. Theo chuyên gia này, chảy mũi trong, sốt nhẹ, ho có thể là biểu hiện giai đoạn đầu của bệnh viêm phổi và việc tự ý điều trị, không qua chẩn đoán bệnh của bác sĩ sẽ rất nguy hiểm.
Trong thời điểm này hàng năm đều là mùa cao điểm các bệnh do virus như: sởi, quai bị, thủy đậu, rubella... (Ảnh: Minh Nhật).
Theo chuyên gia Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, kiểu thời tiết nồm ẩm đặc trưng của giai đoạn giao mùa đông xuân là điều kiện rất thuận lợi để các bệnh lây truyền do virus gia tăng.
Từ thực tế lâm sàng, trong thời điểm này hàng năm đều là mùa cao điểm các bệnh do virus như: sởi, quai bị, thủy đậu, rubella,…
Bên cạnh việc loại trừ nguy cơ nhiễm bệnh từ không gian sống, cũng như tăng cường sức đề kháng của cơ thể, tiêm phòng vaccine là phương pháp hiệu quả để phòng ngừa những bệnh lây truyền do virus kể trên.
Những bệnh như: cúm, sởi, quai bị, thủy đậu, rubella đều có vaccine phòng bệnh và đa số đã được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng. Tuy nhiên, có một số trường hợp trước đây Chương trình tiêm chủng mở rộng chưa phủ hết được hoặc có khoảng trống miễn dịch thì nên tiêm lại.
Đối với sởi kể cả khi tiêm chủng đầy đủ, khả năng miễn dịch cũng có thể không bền vững. Sau 5-15 năm, lượng kháng thể giảm xuống chúng ta cần tiêm nhắc lại để đảm bảo lượng kháng thể bảo vệ.
Người bệnh khi bị nấm da sẽ luôn cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu (Ảnh: Minh Nhật).
Quần áo, chăn ga ẩm ướt do thời tiết nồm ẩm cũng là điều kiện lý tưởng cho bệnh nấm da phát triển. Chế độ sinh hoạt không khoa học của nhiều người trong thời tiết nồm ẩm như vệ sinh không sạch cũng có thể dẫn tới nấm vùng kín, nấm da ở những khu vực hay ra mồ hôi như: kẽ chân, kẽ tay…
Người bệnh khi bị nấm da sẽ luôn cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu. Trên da thường xuất hiện các tổn thương như đám tròn đỏ, vùng da không đều màu, ranh giới rõ có thể có mụn nước nhỏ ở bờ viền.
Khi bệnh trở nên nặng hơn do không được điều trị, hoặc điều trị không đúng cách, tổn thương da càng nặng nề. Tình trạng này kéo dài khiến vùng da trở nên sần sùi, biến dạng, gây ra nhiều đau đớn cho bệnh nhân.
Các thuốc trị nấm sẽ có tác dụng điều trị các bệnh da do nấm. Chúng có thể tiêu diệt nấm trực tiếp hoặc ngăn không cho nấm phát triển.
Dùng thuốc điều trị nấm phải tùy thuộc vào loại bệnh, nhiễm nấm gì, vùng cơ thể nào bị nhiễm nấm... Do đó, bệnh nhân nên đi khám các bác sĩ chuyên khoa da liễu, để được lựa chọn thuốc kê đơn phù hợp.
Nguồn: https://dantri.com.vn