Chăm lo đường huyết "hậu Tết" đối với người bệnh tiểu đường

"Dư chấn" về chế độ ăn uống, sinh hoạt bị đảo lộn, ăn nhiều, ít vận động trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày đã khiến người bệnh tiểu đường gặp tình trạng bị rối loạn đường huyết, một số trường hợp nặng phải nhập viện cấp cứu.

 
Chăm lo đường huyết "hậu Tết" đối với người bệnh tiểu đường  - Ảnh 1.
 
Chế độ ăn uống, sinh hoạt thiếu khoa học, không hợp lý dễ dẫn đến tình trạng rối loạn đường huyết đối với người bệnh tiểu đường

Theo các chuyên gia y tế, những bệnh nhân tiểu đường phải tăng cường sự hiểu biết, hiểu bệnh để kiểm soát bệnh, tuân thủ những nguyên tắc sống còn "khống chế" các biến chứng do đường huyết tăng để đảm bảo sức khỏe, bảo vệ cơ thể. Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội cho biết, việc kiểm soát đường huyết tốt, ổn định sẽ ngăn bệnh tiểu đường trở nặng và đưa ra những cách kiểm soát đường huyết hiệu quả.

Duy trì chế độ ăn uống hợp lý, lành mạnh

Các nghiên cứu đã chỉ ra thức ăn truyền thống ngày Tết có quá nhiều chất béo như giò thủ, canh măng…, hoặc một số thực phẩm dễ làm tăng đường máu như xôi, bánh chưng, đặc biệt phải kể tới các loại món ăn chứa hàm lượng đường nhiều như bánh, mứt, kẹo...

Do đó, để tránh tăng đường huyết, người bị tiểu đường phải hết sức lưu ý tới những thực phẩm trên. Đặc biệt đối với những ngày sau Tết, thực phẩm trong các gia đình hầu như vẫn còn nhiều, người bệnh tiểu đường chỉ nên ăn bánh chưng, miến, cơm… với hàm lượng vừa phải, trong bữa ăn cần tăng cường những thực phẩm nhiều chất xơ như rau xanh, củ, quả luộc. Tuyệt đối không nên ăn bánh, kẹo, sô-cô-la, mứt.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thúy Hằng lưu ý, ngoài những thực phẩm chứa nhiều đường, chất béo cần hạn chế hoặc tránh, thì người mắc bệnh tiểu đường cần xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, đủ dinh dưỡng theo hướng dẫn của bác sĩ, tăng cường rau xanh, cung cấp đủ nước lọc mỗi ngày để kiểm soát đường huyết và tăng sức đề kháng cho bản thân. Ngoài ra, không ăn quá muộn, sát giờ đi ngủ đêm, cần ăn đúng giờ, đủ số bữa để việc uống thuốc hạ đường huyết hoặc tiêm insulin được duy trì.

Giữ những nguyên tắc sống còn đối với người bệnh

Vận động, tập thể dục hàng ngày: Việc tập thể dục cùng với chế độ ăn được coi là nền tảng của mọi phác đồ điều trị bệnh tiểu đường. Do đó, sau những ngày Tết nhịp sống bị đảo lộn, người bị tiểu đường nên quay trở lại duy trì các hoạt động vận động như đi bộ nhẹ nhàng, leo cầu thang..., tránh ngồi lâu quá 30 phút/lần… Việc duy trì thói quen tốt trong sinh hoạt hàng ngày mang lại rất nhiều lợi ích cho người bệnh tiểu đường. Đơn cử, tập thể dục 30 phút/ngày sẽ tăng sức đề kháng cho người bệnh.

- Tiêm, uống thuốc đủ, đúng giờ theo hướng dẫn của bác sĩ: Thực tế, để duy trì thói quen tiêm và uống thuốc đầy đủ mỗi ngày đối với người bệnh là không dễ. Vì vậy, hãy đặt lịch nhắc uống thuốc trên điện thoại để không bị quên; để tất cả thuốc cần thiết đủ dùng trong ít nhất một ngày vào một chiếc túi và luôn mang theo khi ra khỏi nhà, nhờ người nhà nhắc nhở việc uống thuốc đúng giờ.

Đo đường huyết thường xuyên: Người bị tiểu đường cần đo đường huyết mao mạch ít nhất 1-2 lần mỗi ngày, ưu tiên đo vào trước các bữa ăn - cũng là trước khi uống thuốc hoặc tiêm insulin để biết đường huyết có tốt không, có cần tăng hay giảm liều không. Ngoài ra, bất cứ khi nào người bệnh ăn nhiều hoặc thấy mệt, đói hay bị rối loạn tiêu hóa... thì cũng cần đo đường huyết ngay.

Đi ngủ đúng giờ: Người bệnh đái tháo đường nên ngủ, thức đúng giờ. Ngủ đủ giấc, không thức quá khuya giúp nhịp sinh học cơ thể không bị xáo trộn, đảm bảo sức khỏe cho bản thân.

 "Nói không" với chất kích thích: Tuyệt đối "nói không" với rượu, bia, thuốc lá, nước uống có ga và các chất kích thích khác có hại cho sức khỏe và là "kẻ thù" của người bệnh tiểu đường.

Thăm, khám hoặc liên hệ ngay bác sĩ khi mệt, sốt: Nếu có biểu hiện như nôn liên tục trong vòng trên 6 giờ (vì có nguy cơ cao bị mất nước); đường huyết cao trên 15,0 mmol/L liên tục trong 24 giờ; nghi ngờ bị nhiễm toan ceton như nôn, đau bụng, thở nhanh và hơi thở có mùi hoa quả thối; rối loạn ý thức; ngộ độc thức ăn; sốt; mệt nhiều nhưng không biết nguyên nhân, hãy đến ngay bệnh viện để thăm khám, tuyệt đối không được tự ý chữa trị tại nhà.

Tuân thủ "tháp dinh dưỡng": Việc tuân thủ chế độ và nguyên tắc theo "tháp dinh dưỡng" cho bệnh nhân tiểu đường hàng ngày sẽ giúp người bệnh kiểm soát được bệnh cũng như hạn chế làm xuất hiện biến chứng khác, để có một sức khỏe ổn định đối với người bệnh.

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn

Bài viết mới