Ngày nay việc phát hiện sớm ung thư vú hoàn toàn có thể chữa khỏi. Ung thư vú một trong những loại ung thư phổ biến nhất trên thế giới thường gặp ở phụ nữ, vì vậy việc phát hiện sớm ung thư vú là hết sức quan trọng. Hãy cùng Bacsi24h.net tìm hiểu về cách kiểm tra ung thư vú đơn giản tại nhà mà ai cũng có thể làm được. Phương pháp này các bạn có thể thực hiện định kỳ để tự mình kiểm tr sức khỏe cho chính bản thân của mình
1. Tình trạng ung thư vú ở Việt Nam
Hiện nay số ca ung thư ung thư vú ở Việt Nam đang có dấu hiệu tăng dần và trẻ hóa, trong đó có những trường hợp bệnh nhân mắc bệnh khi còn ở độ tuổi thanh thiếu niên. Vấn đề nổi lên ở đây không chỉ là sự gia tăng về số lượng ca bệnh, mà còn ẩn chứa một thách thức lớn khi nhiều người mắc ung thư vú không thể phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu, dẫn đến việc điều trị trở nên phức tạp hơn và khả năng chữa trị giảm đi đáng kể. Tuy vậy, luôn có hi vọng cho những người mắc bệnh khi bệnh được phát hiện sớm và áp dụng phác đồ điều trị phù hợp.
Cơ hội điều trị ung thư vú hiệu quả có mối liên quan trực tiếp với giai đoạn bệnh khi được phát hiện. Càng phát hiện muộn, cơ hội chữa trị càng giảm đi đáng kể. Khi ung thư vú giai đoạn 2, cơ hội điều trị thành công chỉ còn khoảng 60%, và cơ hội này giảm dần khi bệnh tiến triển vào các giai đoạn sau. Ở ung thư vú giai đoạn cuối, gần như không còn khả năng điều trị khỏi bệnh, và mục tiêu của việc điều trị tại thời điểm này là duy trì và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
Do đó, việc thăm khám sức khỏe định kỳ và tầm soát ung thư vú là điều vô cùng quan trọng trong một số trường hợp sau:
- Phụ nữ trên 30 tuổi, đặc biệt là trong độ tuổi từ 45 đến 50 tuổi.
- Nếu trong gia đình có trường hợp mẹ hoặc chị em gái mắc bệnh ung thư vú.
- Các người thường xuyên tiếp xúc với bức xạ, có nguy cơ cao mắc ung thư vú.
- Phụ nữ có kinh nguyệt bắt đầu quá sớm (trước 10 tuổi) hoặc mãn kinh muộn (sau 55 tuổi).
- Những người trên 35 tuổi nhưng chưa có con hoặc không cho con bú.
- Phụ nữ sau mãn kinh và sử dụng liệu pháp hormone.
- Những người có thói quen sử dụng chất kích thích và có lối sống không lành mạnh.
Việc thực hiện tầm soát ung thư vú định kỳ cho những trường hợp này có thể giúp phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu, từ đó tăng cơ hội chữa trị của bệnh nhân.
6 bước kiểm tra ung thư vú tại nhà
Chăm sóc sức khỏe vùng ngực và thường xuyên kiểm tra vùng này tại nhà giúp phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường có thể liên quan đến ung thư
Dưới đây là hướng dẫn cụ thể về cách kiểm tra ung thư vú tại nhà:
Bước 1: Cởi áo ra, ngồi thẳng lưng hoặc đứng trước gương ở tư thế dang xuôi 2 tay và quan sát tuyến vú 2 bên, tìm xem có những dấu hiệu bất thường: thay đổi kích thước, hình dạng và sự đối xứng của 2 vú, da vú dúm dó, lõm xuống.
- Da ngực có biểu hiện phồng lên hoặc nhăn nhúm.
- Đầu ti bị tụt vào trong hoặc thay đổi vị trí.
- Vùng bầu vú hoặc núm vú có hiện tượng nổi mẩn, sưng nề và đau.
Bước 2: Hai tay đưa lên đầu nhìn kỹ vú từ các hướng khác nhau, tìm các dấu hiệu bất thường của ngực như Bước 1.
Bước 3: Đưa tay phải ra sau đầu, dùng tay trái khám vú phải, chụm các ngón tay lại, dùng phần phẳng của các ngón tay tìm kiếm khối u hoặc mảng dày bất thường nào khác, nhìn kỹ vú từ các hướng khác nhau , tìm các dấu hiệu bất thường của ngực vú. Làm tương tự ở vú trái.
Bước 4: Dùng ngón tay cái và ngón trỏ nắn nhẹ đầu vú xem có dịch chảy ra hay không, khám tương tự đối với ngực bên phải.
Bước 5: Nằm ngửa trên giường, đặt khăn gấp hay gối mỏng sau vai trái. Đưa tay trái ra sau gáy, dùng tay phải khám ngực trái, dùng 3 ngón tay xòe thẳng, vừa ấn nhẹ lên bầu vú, vừa day tròn tìm kiếm khối u hoặc mảng dày bất thường bắt đầu từ trong quầng vú di chuyển lần ra ngoài theo đường xoắn ốc.
Bước 6: Sau cùng di chuyển dần dần lên vùng nách tới hõm nách xem có u hạch ở hõm nách hay không.
Nhớ rằng các cách kiểm tra ung thư vú tại nhà giúp phát hiện sớm các vấn đề có thể liên quan đến ung thư vú. Nếu bạn phát hiện bất kỳ dấu hiệu hoặc biểu hiện nào bất thường, hãy đi khám bác sĩ ngay lập tức để được khám và tư vấn chính xác hơn.
Nên làm gì sau khi nghi ngờ bị ung thư vú?
Khi bạn phát hiện một khối vùng cục hay các dấu hiệu bất thường vùng ngực, các bạn không nên quá hoảng sợ, nhưng cũng không nên xem nhẹ. Khối u này có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau, và việc đi khám chuyên khoa là việc làm cần thiết để làm các xét nghiệm và chẩn đoán chính xác là rất quan trọng. Dưới đây là một số thông tin về các phương pháp chẩn đoán và xác định nguyên nhân của khối u tại vùng ngực
Siêu âm tuyến vú: Đây là phương pháp chẩn đoán hình ảnh đầu tiên trong tầm soát ung thư vú. Siêu âm tuyến vú giúp bác sĩ xem xét cụ thể khối u, kích thước, hình dạng, và tính chất của nó.
Chụp X - quang tuyến vú: Đây thường được chỉ định cho phụ nữ trên 40 tuổi hoặc những người có nguy cơ cao. Nó cung cấp hình ảnh chi tiết về các khu vực bên trong tuyến vú và có thể phát hiện những biểu hiện bất thường.
MRI tuyến vú: MRI cũng được sử dụng để xem xét tuyến vú và các khối u. Đặc biệt, nó có thể hữu ích trong việc xác định tính chất của khối u và có thể được sử dụng trong trường hợp bất thường.
Sau khi được bác sĩ chỉ định các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như trên, nếu có những dấu hiệu bất thương, bác sĩ sẽ chỉ định tiến hành một xét nghiệm sinh thiết. Xét nghiệm này sẽ cung cấp thông tin cụ thể hơn về tính chất của khối u và xác định xem nó có phải là ung thư vú hay không.
Chăm sóc sức khỏe nói chung và chăm sóc sức khỏe vùng ngực nói riêng. Ngoài việc chăm sóc sức khỏe vùng ngực và theo dõi sự thay đổi, việc duy trì một lối sống lành mạnh với kiểm soát cân nặng, tập thể dục đều đặn, và chế độ ăn uống cân đối cũng rất quan trọng để giảm nguy cơ mắc ung thư vú. Hãy luôn chăm sóc cho sức khỏe của mình và thực hiện kiểm tra định kỳ theo hướng dẫn từ bác sĩ để phát hiện sớm và điều trị hiệu quả.
Hãy thực hiện các bước kiểm tra vú tại nhà và tầm soát từ hôm nay để sớm phát hiện ung thư vú nhé. Không ai hiểu cơ thể bạn bằng chính bạn.
Nguồn: Tổng hợp
Có thể bạn quan tâm: Tầm quan trọng của xét nghiệm mỡ máu trong chẩn đoán và theo dõi sức khỏe