Uống rượu bia, hút thuốc lá, ngủ không đủ giấc, ít tham gia các hoạt động trí tuệ và tương tác xã hội... có thể khiến người trẻ suy giảm trí nhớ.
ThS.BS Nguyễn Thị Hải Yến (khoa Thần kinh - Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội) cho biết suy giảm trí nhớ không chỉ là vấn đề ở người lớn tuổi mà tỷ lệ người trẻ mắc phải cũng có xu hướng gia tăng. Nguyên nhân chủ yếu do lối sống thiếu khoa học. Bác sĩ lưu ý về những thói quen ở người trẻ như uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá, thiếu ngủ... có thể dẫn đến tình trạng này.
Uống rượu bia
Theo bác sĩ Hải Yến, người uống nhiều rượu bia có thể gây suy giảm trí nhớ tạm thời hoặc vĩnh viễn. Rượu bia gây suy giảm trí nhớ ngắn hạn bằng cách làm gián đoạn các dây thần kinh giao tiếp với nhau tại vùng hồi hải mã (vùng đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và duy trì ký ức). Khi hoạt động của các dây thần kinh bị gián đoạn sẽ diễn ra tình trạng suy giảm trí nhớ ngắn hạn.
Lạm dụng quá nhiều rượu bia không chỉ ảnh hưởng tới hoạt động của vùng hồi hải mã mà còn có khả năng làm hỏng chức năng của bộ phận này. Rượu bia có khả năng phá hủy các tế bào thần kinh gây ảnh hưởng trực tiếp đến trí nhớ trong thời gian ngắn hạn hoặc dài hạn. Bên cạnh đó, uống nhiều rượu còn có thể dẫn tới thiếu hụt vitamin, suy giảm trí nhớ, thậm chí là mất trí nhớ vĩnh viễn.
Uống nhiều rượu bia có thể làm suy giảm trí nhớ. Ảnh: Freepik
Hút thuốc lá
Theo một phân tích năm 2015 về 37 nghiên cứu khác nhau được công bố trên Tạp chí Plos One, những người hút thuốc có nguy cơ sa sút trí tuệ cao hơn 30% và nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cao hơn 40%. Người hút thuốc càng nhiều thì nguy cơ càng cao. Trung bình một người hút 20 điếu thuốc mỗi ngày thì nguy cơ sa sút trí tuệ tăng lên 34%.
Một nghiên cứu của Đại học MCGill ở Mỹ đã chỉ ra hút thuốc lá trong thời gian dài làm cho vỏ não mỏng dẫn tới mất trí nhớ. Vỏ não là lớp bên ngoài của não. Tuổi càng cao thì vỏ não càng mỏng. Tuy nhiên, nếu hút thuốc lá quá nhiều thì tốc độ mỏng đi của vỏ não tăng lên, làm suy giảm trí nhớ và khiến cơ thể già đi nhanh chóng.
Nghiện cocain
Dùng cocain lâu dài làm đẩy nhanh quá trình lão hóa, làm giảm thể tích chất xám và một số vùng của não (trán trước và thùy thái dương). Đây là những vùng liên quan đến khả năng chú ý, đưa ra quyết định và trí nhớ. Nghiên cứu của Đại học Cambridge (Anh) trên 120 người có cùng độ tuổi, giới tính và chỉ số IQ. Một nửa số người phụ thuộc vào cocaine trong khi 60 người còn lại không có tiền sử lạm dụng chất gây nghiện này. Kết quả cho thấy tỷ lệ mất khối lượng chất xám ở người nghiện cocain lớn hơn đáng kể so với nhóm còn lại. Những người sử dụng cocaine mất khoảng 3,08 ml thể tích não mỗi năm, số lượng này ở nhóm người khỏe mạnh chỉ là 1,69 ml.
Ít tham gia hoạt động trí tuệ và tương tác xã hội
Bác sĩ Yến cho biết, ít tham gia các hoạt động trí tuệ và tương tác xã hội có thể làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ. Các kích thích xã hội và hoạt động trí tuệ giúp tăng cường liên kết giữa các tế bào thần kinh. Đây là cơ sở cho quá trình hình thành và củng cố trí nhớ.
Ngủ thiếu giấc
Bác sĩ Yến lý giải, ngủ là thời gian để cơ thể thực hiện đào thải độc tố cũng như diễn ra quá trình tạo thông tin lưu trữ tới vỏ não và lưu giữ ký ức. Thiếu ngủ khiến cho hoạt động lưu trữ thông tin trước trán bị ngưng trệ làm mất trí nhớ ngắn hạn hoặc mau quên. Rối loạn giấc ngủ ở người trẻ có thể làm giảm khả năng chú ý, tập trung và ghi nhớ. Người trưởng thành cần ngủ từ 7-8 tiếng một ngày. Để hạn chế tình trạng suy giảm trí nhớ do mất ngủ, mỗi người cần chủ động ngủ đủ giấc và đảm bảo chất lượng giấc ngủ.
Để cơ thể lưu trữ ký ức hiệu quả, chúng ta cần xây dựng lối sống lành mạnh. Loại bỏ áp lực, căng thẳng, xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp, tập luyện thể dục thể thao hợp lý. Khi đó bộ não sẽ được phục hồi, giảm nguy cơ tổn thương não và suy giảm trí nhớ.
Nguồn: https://vnexpress.net/